Lễ hội bánh mì lần thứ 1 tại Hồ Chí Minh – Việt Nam (30-3 đến 2-4)
[NHASAU] – Chiều 09/03, thông qua buổi họp báo giới thiệu về Lễ Hội Bánh Mì sẽ được tổ chức lần 1 tại Tp.HCM, bà Nguyễn Thị Khánh – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch TP.HCM – cho biết lễ hội bánh mì lần đầu tiên này diễn ra từ ngày 30-3 đến 2-4 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Với hơn 120 gian hàng bánh mì sẽ được tạo dựng để phục vụ bà con cùng khách du lịch trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đặc biệt hơn là trong lễ hội còn diễn ra hội thảo về chuyên đề “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam”. Trong đợt lễ hội này sẽ giới thiệu 105 món bánh mì và được đảm nhận chế biến bởi các đầu bếp nổi tiếng.
Tại buổi họp báo, đại diện thương hiệu bánh mì hơn 80 năm tuổi Nguyên Sinh (quận 1) cho biết sẽ chuẩn bị 420kg pate để phục vụ miễn phí. Như vậy có thể thấy không những món bánh mì ngon được chế biến tại lễ hội, người tham quan còn có thể thưởng thức những món bánh mì từ những thương hiệu nổi tiếng mà trước đây có lẽ phải tốn khá nhiều công sức để thưởng thức.
Ngoài ra trong lễ hội cũng được dành không gian cho chương trình khởi nghiệp từ bánh mì cho phụ nữ cùng các học viên ngành bánh. Bên cạnh đó còn có chương trình “Tôn vinh thương hiệu bánh mì trên 50 năm tuổi tại Việt Nam”. Có thể nói chương trình lần này sẽ quy tụ những thương hiệu bánh mì trên khắp cả nước.
Ông Kao Siêu Lực – chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á – cho biết khi ông đi làm giám khảo chấm điểm cho các cuộc thi quốc tế, ông đều nhận được cùng một câu hỏi là “Bánh mì Việt Nam khác Baguette của Pháp như thế nào?”.
Ông cho hay bánh mì Việt Nam dành cho đặc thù chế độ dinh dưỡng, cách ăn của người Á nên bánh xốp, giòn, ruột thì mềm, trong khi bánh mì baguette lại cứng, giòn và dai.
Thịt, pate, rau thơm hay thậm chí là ớt, phải là ớt xanh, thái sợi… quyết định 50% độ ngon của bánh mì Việt Nam
Theo đó thì ông Kao Siêu Lực còn cho biết là thế giới có ngày bánh mì 16-10, vậy thì tại sao bánh mì Việt Nam lại không có một ngày dành riêng để vinh danh?
Ngoài ra thì “banh mi” của Việt Nam cũng đã được từ điển Oxford ghi danh vào ngày 24-3-2011, như vậy thì ai muốn ăn bánh mì thì phải gọi bằng tiếng Việt (phở cũng là một từ như vậy). Theo ông thì “Lễ hội bánh mì Việt Nam” lần 1 này chỉ là khởi đầu, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì ngày bánh mì Việt Nam này cho những năm sau. Hy vọng lớn nhất là mang bánh mì Việt Nam ra toàn thế giới, từ đó để mọi người biết Việt Nam có một món bánh mì ngon thế nào.
Nguồn: tổng hợp